Doanh nghiệp Việt tốn quá nhiều chi phí để vận hành trên sàn TMĐT Quốc tế
Doanh nghiệp khó tham gia sàn thương mại điện tử quốc tế vì sản phẩm phải "cõng" quá nhiều chi phí cũng như chưa có hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động giao dịch này.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2019 có 100 doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ từ nhà nước để đưa hàng hoá vào thị trường Mỹ thông qua Amazon, nhưng đến nay chỉ có khoảng 50 DN có thành công ban đầu.
Việc doanh nghiệp Việt Nam chưa thành công trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) quốc tế là do 1 sản phẩm phải "cõng" quá nhiều chi phí và chưa có hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động giao dịch trên sàn TMĐT quốc tế.
Chi phí quá lớn...
Tập đoàn Trung Nguyên Legend tham gia thị trường bán lẻ trên sàn TMĐT Amazon từ tháng 6/2020. Nếu 1 gói cà phê G7 loại 3 trong 1 có trọng lượng 1,6kg bán trong nước với giá 200.000 đồng, thì trên Amazon được DN này niêm yết với giá 575.000 đồng. Sở dĩ có sự chênh lệch về giá như trên là bởi sản phẩm còn phải chịu các chi phí vận chuyển, phí lưu kho, chiết khấu cho Amazon và chi phí cho quảng cáo…
Như vậy 1 sản phẩm đến với người tiêu dùng ở thị trường Mỹ đã phải đội thêm 2-3 lần so với giá bán ở trong nước, trong đó chi phí lưu kho và vận chuyển chiếm 50-70%. Bởi vậy, để cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại trên thị trường Mỹ, Trung Nguyên Legend đã phải tối ưu mọi chi phí từ khâu sản xuất đến khâu bán hàng.
Đấy là với các DN vừa sản xuất vừa bán hàng, còn với một số DN trung gian đưa sản phẩm lên sàn TMĐT quốc tế thì khoản thu không bù nổi khoản chi, bởi gánh nặng chi phí là quá lớn. Công ty CP Phát triển và Công nghệ VNT là một điển hình. Ông Trần Hoàng Nhiệm, giám đốc công ty này cho biết, sau hơn 1 năm đưa sản phẩm là hạnh nhân và hạt macca sấy, tách vỏ lên Amazon, công ty quyết định rút sản phẩm ra khỏi sàn.
“Tại thị trường Mỹ, khi DN muốn đăng bán sản phẩm trên Amazon buộc phải có tiêu chuẩn FDA nhưng chi phí đầu tư để có tiêu chuẩn này tương đối lớn so với DN; chi phí logistics để giao hàng kể cả DN kinh doanh theo hình thức gửi kho tổng hay giao từng đơn lẻ thì chi phí logistics này khá lớn, thậm chí vượt qua giá thành của sản phẩm”, ông Nhiệm nêu nguyên nhân.
Theo ông Lê Quốc Tâm, Giảng viên ngành TMĐT, Trường Đại học Hoa Sen TPHCM, DN Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT quốc tế, bởi mỗi thị trường như châu Âu, Mỹ… có yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hoá khác nhau.
Để duy trì tiêu chuẩn hàng hoá từng thị trường, hàng năm mỗi DN phải bỏ ra khoản chi phí khá lớn. Cho nên để DN có thể đứng vững trên sàn TMĐT quốc tế, nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ đàm phán với các tổ chức quốc tế trong cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn hàng hoá; giải bài toán về chi phí vận chuyển, lưu kho đối với sản phẩm bán trên các sàn TMĐT quốc tế.
“Giá vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam qua bán trên sàn Amazon tại Mỹ nếu so với hàng Colombia cùng một loại cà phê, nhưng giá thành để họ cộng vào sản phẩm luôn rẻ hơn cà phê của mình”, ông Tâm nêu thực tế.
Thiếu hành lang pháp lý hỗ trợ
Bên cạnh đó, một cản trở của DN Việt Nam trên sàn TMĐT quốc tế, đó là thủ tục hải quan. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, hiện nay, quy trình thủ tục xuất khẩu đối với các mặt hàng được bán trên sàn TMĐT quốc tế chưa có quy định riêng nên gây khó khăn cho DN.
Chính vì vậy, nhiều DN tìm giải pháp bằng cách gửi hàng qua một đơn vị trung gian để đơn vị này gom đơn, mở tờ khai hải quan. Song, thời gian cho 1 đơn hàng quốc tế này cũng kéo dài từ 15 - 30 ngày. Nếu DN muốn gửi hàng nhanh sẽ phải chuyển phát tại các đại lý bưu điện lớn, lúc này một đơn hàng nhỏ lại phải chịu chi phí rất cao.
“Các hoạt động kinh doanh TMĐT tại TPHCM hiện nay đang chiếm tới 70% các hoạt động giao dịch. Đối với hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua TMĐT, mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch, tăng tốc độ thông quan hàng hoá. Đối với những sản phẩm có giá trị thấp cần phải quyết thời gian thông quan nhanh sẽ không thể nào xem đó như lô hàng container hay là hàng tấn”, ông Dũng phân tích.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 431 ngày 27/3/2020 về việc phê duyệt đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Hiện đề án này đang được các Bộ, ngành lấy ý kiến trước khi hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ. Các DN hi vọng đề án sớm hoàn thành và đưa vào triển khai để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho DN Việt Nam khi tham gia các sàn giao dịch TMĐT quốc tế./.
Theo VOV